Ứng dụng CMCN 4.0 ở Việt Nam: “Không hề xa vời”
Sự bùng nổ của CMCN 4.0 hứa hẹn mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội mới trong nhiều lĩnh vực như sản xuất – tự động hóa, y tế, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, giao thông, xây dựng ... Nắm bắt được những cơ hội mà “làn sóng công nghệ” mới này mang lại sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm chi phí vận hành – sản xuất và đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
Gây ấn tượng mạnh tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp thành viên của Cộng đồng mở IoT (Internet of Things) Việt Nam đều cho rằng việc ứng dụng CMCN 4.0 tại Việt Nam là “không hề xa vời” và hoàn toàn khả thi. Đại diện các doanh nghiệp này đều đánh giá tiềm năng và ứng dụng IoT trong thực tế ở Việt Nam là rất lớn, điển hình là trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, hay trong việc xây dựng thành phố thông minh (smart city).
Quang cảnh Hội nghị
Đại diện doanh nghiệp DELCO, ông Lê Đức Mạnh đã giới thiệu việc ứng dụng tự động hóa và IoT của doanh nghiệp này vào trang trại Delco Eco Farm. Chỉ sau tám tháng ứng dụng các giải pháp trên vào quá trình giám sát vận hành, Delco Eco Farm đã cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn với chi phí thấp hơn. Ông Hoàng Dũng, đại diện Công ty CP Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L cho rằng, để chủ động bắt nhịp với các nước tiên tiến, Việt Nam cần nhanh chóng làm chủ công nghệ bên cạnh việc áp dụng các công nghệ mới vào thực tế.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Solomon đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự nhiều giải pháp thông minh, đặc biệt là việc vận dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường sức mạnh xử lý ảnh ba chiều. Công nghệ quét tự động AI Vision của Solomon có thể ứng dụng vào khâu tự động kiểm tra chất lượng trong dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp may mặc, da giày của Việt Nam. Ngoài ra, các giải pháp của Tập đoàn này còn có thể được ứng dụng trong thực tế hoạt động sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: công nghiệp ô-tô, cơ khí chế tạo, thực phẩm, may mặc, da giày...
"Robot" của Tập đoàn Solomon trình diễn khả năng nhận biết và gắp các vật thể khác nhau.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI mong muốn Hội nghị sẽ mang lại những cơ hội mới cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước và khẳng định VCCI cam kết sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu sâu các phương án áp dụng CMCN 4.0 nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho các nhóm đối tượng thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp tham dự đều cho rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để “bắt nhịp” cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới trong việc áp dụng những thành tựu của CMCN 4.0 vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.