Phát huy giá trị bản Hiến pháp 1946 trong hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đây là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11). Hội thảo này là diễn đàn để đại biểu Quốc hội, các nhà hoạt động thực tiễn, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, góp phần tiếp tục phát huy những giá trị của bản Hiến pháp đầu tiên trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Trải qua 70 năm kể từ Ngày Hiến pháp năm 1946 ra đời, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, Quốc hội nước ta đã ban hành các bản hiến pháp các năm 1959, 1980,1992 và 2013 trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm lập hiến và những giá trị chính trị, pháp lý của bản hiến pháp đầu tiên. Tuy vậy, hoàn cảnh ra đời, nội dung và các quy trình, kỹ thuật lập hiến của bản Hiến pháp năm 1946 vẫn còn để lại những bài học cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát huy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, nhà nghiên cứu tiếp tục làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự ra đời Hiến pháp 1946; vai trò của Hiến pháp 1946 đối với cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và những giá trị mang tính thời đại của Hiến pháp 1946 đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Có thể nói rằng, Hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới. Về nội dung, Hiến pháp 1946 thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về kỹ thuật lập pháp, Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích, toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều, trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn có một dòng... (Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu) |
Bên cạnh đó, phân tích, làm rõ những giá trị về tư tưởng pháp quyền được thể hiện trong Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các bản hiến pháp về sau, đặc biệt là trong bản Hiến pháp năm 2013. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp thể hiện tư tưởng pháp quyền một cách rất sâu sắc qua việc khẳng định “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”, “những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”; quy định và bảo đảm các quyền của công dân; thiết kế bộ máy nhà nước có sự phân chia giữa các nhánh quyền lực trong đó nhấn mạnh đến tính độc lập của hệ thống toà án…
“Rõ ràng tư tưởng pháp quyền trong Hiến pháp 1946 là rất dân chủ, tiến bộ. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục kế thừa và phát huy những tư tưởng này như thế nào trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay”. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng tập trung phân tích những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức mô hình tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946. Có thể nói, hiến pháp này đã tiếp thu có chọn lọc các hiến pháp dân chủ và tiến bộ của các nước, đồng thời đã Việt hóa một cách tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1946 là đề cao vai trò của nghị viện nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc giám sát Chính phủ; đề cao tính độc lập của hệ thống tòa án - cơ quan tư pháp; phân quyền rõ nét và hợp lý cho chính quyền địa phương…
Qua phân tích làm rõ những giá trị về tư tưởng pháp quyền được thể hiện trong Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các bản hiến pháp về sau, đặc biệt trong bản Hiến pháp năm 2013; những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức mô hình, tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946; giá trị của các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong bản hiến pháp đầu tiên.
Bản Hiến pháp 1946 đã tiếp thu có chọn lọc các hiến pháp dân chủ và tiến bộ của các nước, đồng thời đã "Việt hóa" tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1946 là đề cao vai trò của nghị viện nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc giám sát Chính phủ...
Mặc dù những quy định này chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trên thực tế do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ đất nước có chiến tranh nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của nó đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013. Cho đến nay, những giá trị này vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu để phát huy trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính và xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Mặc dù không đề cập đến khái niệm quyền con người, nhưng về bản chất các quyền công dân trong Chương II của Hiến pháp 1946 cũng chính là các quyền con người mà sau đó được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 và hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966. Cùng với việc hiến định các quyền con người, Hiến pháp năm 1946 còn xác lập những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực chống lại sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước, giúp bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân. (Theo PGS TS Vũ Công Giao, Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Trước khi diễn ra hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu Quốc hội đã cắt băng khai trương triển lãm "70 năm Hiến pháp Việt Nam". Triển lãm có gần 100 hình ảnh tài liệu tiêu biểu được lựa chọn trưng bày, với nội dung tập trung vào các sắc lệnh, văn kiện, bài báo tiêu biểu về công tác soạn thảo, thông qua Hiến pháp 1946 và các bản hiến pháp về sau.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Triển lãm nhằm góp phần thông tin đến các đại biểu Quốc hội khóa XIV và công chúng về hoàn cảnh ra đời và giá trị các bản hiến pháp trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Đặc biệt là quá trình ra đời của bản Hiến pháp 1946, cũng như sự kế thừa, phát triển những giá trị đó trong hoạt động lập hiến của Quốc hội những năm về sau.