Cao Bằng gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca
Nhằm thống kê, đánh giá, bảo tồn các làn điệu dân ca Cao Bằng, từ năm 2017 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương. Nghi lễ Then dân tộc Tày và Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh cũng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bảo tồn dân ca như: Sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu Dá Hai của dân tộc Nùng; dân ca, dân vũ của người Dao đỏ và người Sán Chỉ; lượn then tứ quý dân tộc Tày; nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng. Tỉnh cũng phối hợp Viện Âm nhạc Việt Nam xây dựng hoàn thành bộ hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái” Việt Nam trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn dân ca, năm 2011, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng được thành lập. Từ 70 hội viên ban đầu, đến nay, Hội đã phát triển chi hội, phân chi hội ở chín trong số 13 huyện, thành phố trong tỉnh với gần 2.000 hội viên. Hội quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, truyền dạy dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc cho thế hệ trẻ. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Chúng tôi đang duy trì một lớp dạy hát then, đàn tính tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh cho hơn 20 học sinh. Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc cũng tạo điều kiện cho các em học sinh được học các điệu múa, câu hát dân ca dân tộc từ các nghệ nhân trong các buổi học âm nhạc, sinh hoạt ngoại khóa. Qua đó, giúp các em được tiếp cận, hiểu và thêm yêu văn hóa dân tộc mình.
Bên cạnh đó, các hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, liên hoan hát then, đàn tính cấp tỉnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức định kỳ đã tạo sân chơi, góp phần quảng bá các làn điệu dân gian đến đông đảo người dân. Đến nay, Cao Bằng đã thành lập được 794 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên hoạt động, biểu diễn phục vụ du khách, phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong phát triển du lịch của tỉnh.
Mặc dù được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, nhưng do còn thiếu những giải pháp căn cơ, có chiều sâu và cả nguồn lực thực hiện, cho nên kết quả đạt được còn hạn chế. Các nghệ nhân ngày càng cao tuổi, trong khi công tác nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy, tạo môi trường để dân ca tồn tại, phát triển còn hạn chế, dẫn tới việc nhiều làn điệu dân ca dần mai một. Theo Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đến nay, nhiều làn điệu dân ca có giá trị như Phuối Rọi, Phuối Sơ (dân ca giao duyên), hát đồng dao (của trẻ em), hát ru không còn thấy xuất hiện, chỉ còn một số ít người cao tuổi biết đến. Một dòng dân ca đặc sắc, chỉ riêng có ở Cao Bằng là tuồng Dá Hai đã có đề tài nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn tại xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện lại gặp khó khăn do hạn chế trong năng lực chuyên môn lập hồ sơ nghiên cứu. Đề tài được chuyển giao cho Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng thực hiện, nhưng cũng gặp trở ngại vì Hội không có kế toán để hoàn thiện chứng từ thanh toán, vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ để bảo tồn, phục dựng thành công một làn điệu dân ca đặc sắc của Cao Bằng.
Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng Lê Chí Thanh cho rằng, muốn bảo tồn hiệu quả, cần phải nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, đồng thời hình thành ngân hàng dữ liệu các làn điệu dân ca. Mặt khác, cần đưa chương trình học dân ca vào các trường học, từ bậc tiểu học trở lên, để con em các dân tộc thiểu số được tiếp xúc, hiểu được cái hay, cái đẹp của dân ca. Việc hỗ trợ kinh phí cho Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh cũng cần được quan tâm, bởi hiện nay hội viên đều phải tự đóng góp kinh phí hoạt động, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hồng Vân cho biết thêm: Thời gian tới, Sở sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng tình hình dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng các đề án, dự án về bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca từng dân tộc, trình tỉnh xem xét, phê duyệt. Tiến hành tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về dân ca và các giải pháp tích cực hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca. Đồng thời cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ làn điệu dân ca dân tộc của tỉnh Cao Bằng.