Có một thế hệ 8X
Hôm dự lễ hạ thủy, bàn giao giàn khai thác cho Công ty Dầu khí Ấn Độ, chúng tôi có dịp quây quần bên nhau ôn lại câu chuyện làm giàn khoan ở Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải. Vẫn "xôm tụ" trong căn phòng của công ty ở đường 30-4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với kỹ sư Phan Thanh Tùng (nay là Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí) là anh Đồng Xuân Thắng - người kế nhiệm Phan Thanh Tùng ở Công ty Dịch vụ Cơ khí hàng hải, các kỹ sư trẻ Nguyễn Anh Dũng -Trưởng phòng thiết kế, Ngô Văn Thắng, Nguyễn Quốc. Lãnh đạo thì ở lứa 7X, còn các kỹ sư trẻ thuộc lứa 8X đều nhiệt huyết, hăng say với nghề đóng giàn khoan, giàn khai thác dầu khí.
Anh Phan Thanh Tùng kể: "Với anh em làm cơ khí thì ước mơ cháy bỏng nhất là tự vươn lên đảm nhận những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao mà trong nghề gọi là "có độ khó" (đương nhiên khó thì nhiều nơi, nhiều người không làm được). Nhưng khó mà vượt lên được, làm và làm thành công mới hay". Từ một xưởng cơ khí có 20 công nhân chuyên sửa chữa nhỏ, Dịch vụ Cơ khí hàng hải đã từng bước đi lên, chế tạo sà-lan, tàu dịch vụ rồi tiến tới đóng được giàn khoan, giàn khai thác.
Kỹ sư Đồng Xuân Thắng nói thêm: Dịch vụ cơ khí hàng hải có được thành công như ngày hôm nay vì anh em chúng tôi hơn ai hết luôn khắc ghi và làm theo lời Bác Hồ dạy: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.
Ngồi trò chuyện cùng các kỹ sư của PTSC M&C điều tôi cảm nhận đầu tiên là họ rất trẻ, gương mặt ai cũng sáng sủa, thông minh. Họ ở ba miền quê khác nhau: Trưởng phòng thiết kế Nguyễn Anh Dũng, quê Hải Dương; Ngô Văn Thắng, quê Bắc Ninh; Nguyễn Quốc, quê Khánh Hòa; cả ba kỹ sư trẻ cùng tốt nghiệp Khoa Thiết kế công trình biển ở Trường đại học Xây dựng Hà Nội.
Ngày trước, khi PTSC thi công các dự án, công trình thì bê nguyên bản vẽ thiết kế của các nhà thầu vào mà làm. Không có sáng kiến sáng tạo gì cả. Tổng Giám đốc Phan Thanh Tùng nhớ lại: "Khi đó thấy các nhà thầu trả lương cho các kỹ sư thiết kế cao lắm, từ 20 đến 30 nghìn USD/tháng. Thế là anh em tôi luôn suy nghĩ và trăn trở, họ làm được tại sao mình không làm được.
Trưởng phòng thiết kế Nguyễn Anh Dũng kể: "Sau mỗi ca làm ở công trường, cứ tối về lại mang bản thiết kế ra nghiền ngẫm. Có những bản vẽ, anh em của Phòng đã chỉ cho giám sát thi công, cho nhà thầu những khiếm khuyết khi thiết kế. Rồi trình bày phương án cải tiến, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vật tư ".
Lên thăm giàn khai thác được bàn giao cho Công ty Dầu khí Ấn Độ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sao một công trình hiện đại, đồ sộ lại lọt vào tay người thợ Việt Nam. Tổng Giám đốc Phan Thanh Tùng cho biết: Đây là công trình mà PTSC M&C phải đấu thầu quốc tế và thắng thầu. Trong đó nổi bật là toàn bộ giàn khai thác cao như tòa nhà sáu tầng, nặng tới 11 nghìn tấn đều do anh em ở Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải tự thiết kế thi công".
Có rút ra được bài học kinh nghiệm nào không? tôi hỏi Tổng Giám đốc Phan Thanh Tùng. Anh nói: Tất nhiên là anh em đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn. Thí dụ thi công, lắp đặt các đường ống trong giàn khai thác trước đây thường hao phí khoảng 20% vật tư thì nay nhờ tính toán sát thực tế, chỉ hao phí từ 5% đến 7%, như thế có thể giảm lượng vật tư cả trăm tấn.
Đứng trên sân đỗ máy bay trực thăng, vị trí cao nhất của giàn khai thác, chúng tôi càng khâm phục sức sáng tạo của đội ngũ kỹ sư trẻ của Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải, càng tự hào về công trình, ý chí Việt Nam của người thợ cơ khí hàng hải nói chung, anh em Phòng thiết kế Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải nói riêng.
Hỏi Giám đốc Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải Đồng Xuân Thắng rằng, nếu gọi anh em kỹ sư thiết kế là người "tài" thì liệu công ty có sợ bị "rút ruột" nhân tài không?
Đồng Xuân Thắng trả lời ngay: "Có chứ". Anh em ở đây đã nhận được lời mời từ các nhà thầu dầu khí nước ngoài với mức lương hấp dẫn, cao hơn mức lương do công ty trả nhiều. Nhưng anh em yêu đơn vị, có ý thức chính trị cao, nên đều lần lượt từ chối những lời chào mời hậu hĩnh.
Còn kỹ sư trẻ Ngô Văn Thắng (sinh năm 1987) thì trả lời không chút do dự: "Mình ở đây là chủ dự án, chủ công trình, mình sang công ty nước ngoài, lương cao thật đấy nhưng chỉ là người làm thuê thôi".
Cũng như các giàn khai thác, chế biến dầu khí khác, giàn mà PTSC M&C làm cho Ấn Độ luôn có sự giám sát chặt chẽ, ngặt nghèo của công ty tư vấn giám sát nước ngoài. Vượt qua những khó khăn, thách thức, sau hơn ba triệu giờ thi công liên tục, an toàn, hội đồng nghiệm thu của Công ty Dầu khí Ấn Độ đã phê chuẩn: "Công trình đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật", đáp ứng mong đợi và sự tin tưởng của chủ đầu tư.
Tôi hỏi Tổng Giám đốc Phan Thanh Tùng: "Tổng công ty có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng những kỹ sư trẻ này trở thành cán bộ quản lý của Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải không?". Anh cho biết: Tổ chức đã giới thiệu, đã làm quy hoạch, như kỹ sư Nguyễn Anh Dũng được giới thiệu vào vị trí Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, nhưng anh ấy từ chối, xin tiếp tục giữ nhiệm vụ trưởng phòng kỹ thuật thiết kế, để dồn tâm sức cho chuyên ngành thiết kế cơ khí hàng hải mà anh yêu thích và Tổng công ty cũng đang cần.
Có một thế hệ thanh niên 8X tràn đầy năng lực, có trí tuệ, chính là "bảo vật" của PTSC M&C nói riêng và ngành dầu khí nói chung. Vì thực tế đã chứng minh rằng họ đã biến ước mơ thành hiện thực. Tự thiết kế chế tạo thành công các giàn khai thác đồ sộ, quy mô và hiện đại không chỉ thu về cho Nhà nước hàng chục triệu USD, mà còn khẳng định tiềm năng, thế mạnh của ngành dầu khí Việt Nam đang vươn lên làm chủ các công trình dự án dầu khí trong khu vực và trên thế giới.